Bộ Giáo dục đã bỏ quên một nhà giáo mỹ thuật lớn?

Tô Ngọc Vân là thầy của mọi người thầy. Việc truy tặng danh hiệu NGND là việc hoàn toàn xứng đáng.

 

nhà giáo, mỹ thuật, Tô Ngọc Vân, Thiếu nữ bên hoa huệ

Thiểu nữ bên hoa huệ. Tác giả: Tô Ngọc Vân

Tháng tư về, con đường Tô Ngọc Vân và cả làng Quảng Bá như ướp trong mùi hương nhẹ nhàng và sắc trắng tinh khiết của loa kèn. Người yêu hội hoa nhìn hoa lại nhớ đến bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của cố hoạ sĩ.

Còn các thế hệ trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam thì không chỉ ngậm ngùi thương tiếc một tài năng ra đi quá sớm mà còn day dứt khôn nguôi về một mong mỏi ấp ủ bấy lâu mà với họ còn chưa hoàn thành là chưa trọn vẹn nghĩa tình với người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Đó là đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo, liệt sỹ, họa sỹ Tô Ngọc Vân.

Bộ GD&ĐT bỏ quên một nhà giáo lớn?

Năm 2012, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã có công văn số 80/ĐHMTVN – TCCB đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu này cho họa sỹ Tô Ngọc Vân. Nhưng không hiểu vì lý do gì, hồ sơ không được thông qua.

Người ký công văn là PGS, NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân lúc đó là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nay dù đã về hưu nhưng trong lòng ông vẫn canh cánh một nhiệm vụ mà mình vẫn chưa hoàn thành. Ông nói: “Thầy Tô Ngọc Vân là một người đáng kính trọng, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, không có gì để bàn cãi. Chúng ta làm được việc này là rất tốt vì tôn vinh một người có đóng góp như thế và đã hi sinh rồi sẽ thể hiện được sự quan tâm, đánh giá công bằng của Nhà nước”.

PGS, NSND. Họa sỹ Ngô Mạnh Lân, là một trong số 21 sinh viên khóa Kháng chiến do Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy cũng cho rằng: “Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân tặng cho những nhà giáo có công với sự nghiệp giáo dục thì thầy Tô Ngọc Vân là một trong những người đứng hàng đầu. Nếu thầy của chúng tôi được truy tặng thì là một việc hoàn toàn xứng đáng. ”

HS Tô Ngọc Vân - thầy của mọi người thầy

Không chỉ là một danh họa nổi tiếng với những tác phẩm như “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hà Nội vùng đứng lên”…thầy giáo Tô Ngọc Vân còn có công đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ từ Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương đến Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

Tên tuổi của các học trò của ông đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam cận hiện đại – đương đại như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm, Quang Phòng, Phan Thông, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Phan Kế An…(Trường Mỹ thuật Đông Dương); Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Mai Long, Lê Lam, Đào Đức, Ngọc Linh, Ngô Mạnh Lân…(khóa Kháng chiến, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam).

“Thầy Tô Ngọc Vân là thầy của mọi người thầy, ai cũng biết vậy. Là một hoạ sỹ tài danh rồi là hiệu trưởng đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ở trong kháng chiến khó khăn gian khổ là thế, ông cùng với gia đình đã không tiếc tiền của và vàng bạc bỏ ra để tạo điều kiện mở trường và duy trì việc dạy học” – PGS. NGND. Họa sỹ Lê Anh Vân nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết.

nhà giáo, mỹ thuật, Tô Ngọc Vân, Thiếu nữ bên hoa huệ

Họa sỹ Tô Ngọc Vân (ngồi thứ 5, hàng dưới, từ trái sang) cùng các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến, tại Việt Bắc

Trường công nhưng tiền nhà nuôi sinh viên. Họa sỹ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, lúc còn sống thường hay kể lại những kỷ niệm về những năm tháng gian khó theo học thầy Tô Ngọc Vân ở chiến khu Việt Bắc khi bà mới chỉ 15 tuổi. Không chỉ được thầy Tô dạy dỗ mà bà còn được gia đình Thầy chăm sóc như con cái trong nhà. Họa sỹ Vũ Giáng Hương bùi ngùi nhớ lại những bữa cơm chiến khu mà thầy Tô Ngọc Vân đã nhường cho cô những bát cơm đong đầy nghĩa tình.

Những năm tháng ấy, thầy Tô Ngọc Vân là thủ lĩnh tinh thần, niềm cảm hứng của các sinh viên trong việc học tập nghệ thuật. Trong thành công trong bước đường sự nghiệp của mình, PGS, NSND. Họa sỹ Ngô Mạnh Lân cũng không bao giờ quên những tháng ngày học tập ở chiến khu Việt Bắc khi ông mới 16 tuổi. Ông kể: “Đó là những bài học đầu tiên, những kiến thức cơ bản đầu tiên về mỹ thuật, về tạo hình mà thầy Tô Ngọc Vân đã tận tụy truyền dạy cho chúng tôi. Những bước cơ bản đó cực kỳ quan trọng, nó đem lại sự thành công sau này cho sự nghiệp sáng tác của chúng tôi”.

“Cách giảng dạy của thầy rất cập nhật làm sao đào tạo các anh em hoạ sĩ có khả năng phục vụ công tác kháng chiến, phục vụ chính sách Đảng và Chính phủ và tập trung vẽ tranh về đời sống sinh hoạt của quân và dân trong đời sống kháng chiến” – họa sỹ Ngô Mạnh Lân chia sẻ.

Truy tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, sự tri ân cần thiết

Những học trò của thầy Tô Ngọc Vân sau này hầu hết đều trở thành những tên tuổi nổi tiếng, những Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân… có nhiều đóng góp cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà. Họ đã được người thầy ấy truyền nhiệt huyết, đam mê và tư tưởng nghệ thuật vì nhân dân, vì cuộc sống mà đã trở thành những tác nhân nghệ thuật, đẩy lịch sử nghệ thuật tiến tới với một cấp số nhân về mỹ thuật Việt Nam.

Đề nghị truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho thầy giáo Tô Ngọc Vân hoàn toàn không xuất phát từ phía gia đình họa sỹ, mà đến từ tấm lòng tha thiết của các thế hệ học trò của thầy giáo Tô Ngọc Vân.

“Chúng tôi - thế hệ sau nghĩ rằng nếu chúng tôi làm được điều này cho một người thầy lớn như thế thì đó là một điều đáng quý và nó tác động rất nhiều đến các thế hệ sau – những thế hệ luôn cần phải biết sống có trước có sau, sống nghĩa tình” - Họa sỹ Lê Anh Vân bày tỏ./.